Chim Việt
Cành Nam [ Trở
Về ] Bản để in: [ PDF
] [ Word
]
Cách Ghi Nhanh và Gõ Nhanh Chữ
Việt Bài 4 – Thử tìm kiểu gõ
dấu chữ Việt nhanh hơn Trần Tư Bình |
Bài
này trình bày ưu khuyết điểm của 4 kiểu gõ
dấu thông dụng là VIQR, VNI, Telex và Microsoft (TCVN6064). Sau
đó, xin đề nghị một kiểu gõ khác mà chúng
tôi tin rằng sẽ giúp gõ dấu chữ Việt
được nhanh hơn. A. Giới
thiệu B. So sánh 3 kiểu
gõ VIQR, VNI, Telex 1. Nguyên tắc chung 2. Kiểu gõ VIQR (Vietnet) 3. Kiểu gõ VNI 4. Kiểu gõ Telex C. Kiểu
gõ Tubinhtran-MS và Microsoft D. Cách dùng kiểu
gõ Tubinhtran-MS ở WinVNkey E. Kết
luận A.
GIỚI THIỆU Nếu thỉnh thoảng mới gõ
chữ Việt thì dùng kiểu gõ (typing method) nào cũng
được, càng dễ nhớ càng tốt. Còn như
thường xuyên gõ thì ta nên tìm kiểu gõ nào vừa
dễ nhớ và ít phải di chuyển ngón tay thì mới gõ
nhanh hơn được. Bài viết này trình bày ưu khuyết
điểm của 4 kiểu gõ dấu thông dụng là VIQR,
VNI, Telex và Microsoft (còn có tên TCVN6064). Sau đó, xin đề
nghị một kiểu gõ khác mà chúng tôi tin rằng sẽ
giúp gõ dấu chữ Việt được nhanh hơn. B.
SO SÁNH 3 KIỂU GÕ: VIQR, VNI, TELEX 1.
Nguyên tắc chung Tiếng Việt có rất nhiều
mẫu tự có hai dấu, nghĩa là vừa có cả
dấu phụ lẫn dấu thanh như ồ, ở,
ứ, ... Do đó, để gõ nhanh hơn, ta nên tìm
chọn kiểu gõ nào mà vị trí các phím dấu càng
gần với phím mẫu tự chính càng tốt, vì như
thế ta ít phải di chuyển ngón tay nhất khi gõ
dấu. 2.
Kiểu gõ VIQR (VietNet) Kiểu gõ VIQR (VIetnamese Quoted Readable) dùng
dấu sẵn có trên bàn phím Mỹ để gõ dấu
chữ Việt. Nói rõ hơn là dùng các ký tự trong
bảng mã ASCII để gõ dấu chữ Việt. Hình
1: Kiểu gõ VIQR. Kiểu gõ VIQR có một lịch sử
lâu dài từ thời các môi trường điện toán,
nhất là Email và Internet, dùng bộ chữ 7 bit ASCII
của Hoa Kỳ trong các thập niên trước năm
2000. Môi trường này không
thể nào hỗ trợ được các chữ có
dấu như chữ Việt.
Lúc bấy giờ đã có một số
đông người Việt hải ngoại tham gia
một nhóm tin Usenet Newsgroup có tên là soc.culture.vietnamese
(gọi tắt là nhóm SCV hay Viet Net). Chính những
người này đã đặt ra qui ước dùng các
dấu ASCII trên bàn phím Mỹ để tượng
trưng cho các dấu chữ Việt. Do đó, qui
ước này thường được gọi là qui
ước VietNet, về sau được nhóm Viet-Std tiêu
chuẩn hóa thành qui ước VIQR (xem chuẩn Internet RFC
1456). Qui ước này hiện vẫn còn được
sử dụng rộng rãi trong nhóm tin SCV. Ưu
điểm: Dễ
nhớ, dù không quen dùng cũng có thể đoán và
đọc được. Khuyết
điểm: Chữ
tương đối khó đọc. Không gõ nhanh như
kiểu Telex. Sau khi bộ chữ Unicode
được phổ biến rộng rãi thì việc
viết và đọc chữ Việt trên máy vi tính và
Internet được thống nhất và thuận tiện
hơn. Những người quen kiểu gõ VIQR nay bắt
đầu tải xuống phần mềm gõ chữ Việt,
chọn bộ chữ Unicode trong phần mềm gõ và gõ
theo kiểu VIQR, màn hình vi tính hiện ra chữ Việt
trọn vẹn và người nhận vẫn đọc
được (vì hầu hết máy Windows hiện nay
đều có hỗ trợ bộ chữ Unicode). Dùng kiểu gõ VIQR trong phần mềm
gõ chữ Việt có ưu điểm và khuyết
điểm như sau: Ưu
điểm: - Dễ nhớ, tiện dùng cho
những ai quen gõ kiểu VIQR. - Gõ nhanh được mẫu tự
đ vì gõ lặp dd → đ. Khuyết
điểm: Không gõ
nhanh bằng kiểu Telex hoặc VNI vì các phím gõ dấu
thanh ( ’ `? ~ . ) cũng như các phím gõ
dấu mũ, râu, trăng ^ + ( thì
nằm rất xa nhau. Có thể nói đây là kiểu gõ
chậm nhất trong 3 kiểu gõ. 3.
Kiểu gõ VNI Công ty VNISoft (tên chính thức là VNI
Software, nhưng website là vnisoft.com) đặt ra một qui
ước dùng các phím số để tượng
trưng dấu chữ Việt trong phần mềm gõ VNI. Do đó, kiểu gõ theo qui
ước này thường được gọi là
kiểu gõ VNI. Hình
2: Kiểu gõ VNI. Nhiều người lầm việc gõ
kiểu VNI với việc sử dụng phần mềm
gõ VNI và bộ chữ VNI. Kiểu gõ VNI chỉ là cách dùng
số tượng trưng cho dấu. Do đó, bất kỳ phần
mềm gõ nào cũng có thể hỗ trợ kiểu gõ này
để gõ bất cứ bộ chữ Việt nào. Ưu
điểm: Thông
dụng, dễ nhớ, nhiều nhóm thiết kế
phần mềm gõ chữ Việt cũng dùng kiểu gõ
này. Khuyết
điểm: -
Mẫu tự “đ”: phải gõ d9, 2 phím “d” và “9”
ở xa nhau. (Telex và VIQR: dd → đ , dùng phím lặp nên
nhanh hơn vì không phải di chuyển ngón tay). -
Mẫu tự “ă”: phải gõ a8, 2 phím “a” và “8”
ở xa nhau. -
Không dùng cách gõ lặp để tạo ra dấu nên
phải luôn luôn di chuyển ngón tay khi gõ
dấu phụ. -
Rất chậm khi sử dụng bàn phím Pháp vì các phím
số cần phải nhấn thêm phím “Shift”. -
Trên bàn phím Mỹ, có thể nói kiểu gõ VNI nhanh
hơn kiểu VIQR nhưng chậm hơn kiểu Telex. 4.
Kiểu gõ Telex Kiểu gõ Telex dùng phím lặp, dùng các
mẫu tự hoặc vị trí các mẫu tự không có
trong chữ quốc ngữ để gõ dấu chữ
Việt. Hình
3: Kiểu gõ Telex. Ðây là kiểu gõ điện tín ngày
xưa ở Việt Nam. Ngày nay các phần mềm gõ
chữ Việt hỗ trợ qui ước gõ dấu
chữ Việt theo lối này. Ưu
điểm: Các phím gõ dấu đều
nằm ở 3 hàng giữa của bàn phím nên ít phải di
chuyển xa ngón tay khi gõ dấu. Khuyết
điểm: -
Với những ai thường xuyên gõ xen kẻ trong
văn bản các chữ nước ngoài như Anh, Pháp thì
phải dùng nhiều lần phím thoát vì nếu không thì các
từ nước ngoài sẽ hiện ra không đúng. -
Mẫu tự “ư”: phải gõ uw,
2 phím “u” và “w” ở xa nhau. -
Mẫu tự “ơ”: phải gõ ow, 2 phím “o” và “w”
ở xa nhau. -
Khó nhớ các dấu, không dùng quen khó có thể gõ
được. C. KIỂU
GÕ TUBINHTRAN-MS VÀ MICROSOFT Sau khi phân tích ưu và khuyết
điểm của 3 kiểu gõ VIQR, VNI và Telex, chúng tôi
đề nghị một kiểu gõ khác hữu hiệu
hơn, xin tạm đặt tên là kiểu gõ Tubinhtran-MS. Kiểu gõ Tubinhtran-MS giúp ta gõ các ký
tự có dấu â ê ô ă ư ơ đ được nhanh hơn vì chỉ cần gõ phím 1
lần. Về cơ bản thì kiểu gõ
Tubinhtran–MS giống như kiểu gõ Microsoft (còn có tên
TCVN6064), chỉ khác qui ước phím mà thôi. Hình
4: Kiểu gõ Tubinhtran-MS và Microsoft (TCVN6064). Vì sao
kiểu gõ Tubinhtran-MS lại qui ước khác với
Microsoft? • Về phím dấu thanh: kiểu gõ
Tubinhtran-MS dễ nhớ và thuận tiện hơn. -
Chọn phím 1 2 3 4 5 cho các dấu: sắc, huyền,
hỏi, ngã, nặng, để dễ nhớ vì nó theo
thứ tự ta đã học chữ quốc ngữ, lại
giống thứ tự của kiểu gõ VNI. Còn Microsoft
lại đổi qua thứ tự khác là: huyền
hỏi ngã sắc nặng (56789) nên khó nhớ. -
Quan trọng hơn, tần số xuất hiện
của các số 0, 1, 2, 3, 4, 5 thì nhiều hơn số 6,
7, 8, 9 trong các văn bản. Do đó, dùng kiểu gõ
Tubinhtran-MS thì khi cần có số 0, 1, 2, 3, 4, 5 thì ta không
cần phải gõ phím thoát trước đó. Ta chỉ
dùng phím thoát hoặc phím lặp khi cần có số 6, 7, 8,
9. Còn kiểu Microsoft thì ngược lại, khi cần có
số 0, 1, 2, 3, 4, 5 thì ta phải gõ phím thoát hoặc phím
lặp trước đó. • Về phím dấu phụ: kiểu gõ
Tubinhtran-MS rất dễ nhớ. -
Phím 6 = â (trên phím 6 có dấu ^ và số 6 khi lật qua
bên thì gần giống a, nhìn vào dễ nhớ là â). -
Phím 7 = ê (số 7 cũng gần giống ^ nên nhìn vào dễ nhớ là ê). -
Phím 8 = ô (số 8 cũng gần giống o nên
nhìn vào dễ nhớ là ô). -
Phím 9 = ă (vì trên phím 9 có dấu trăng ( nên nhìn vào
dễ nhớ là ă). -
Phím [ = ư và phím ] = ơ , giống kiểu Microsoft,
vì tần xuất “ư” cao hơn “ơ” trong các vần
tiếng Việt. Chọn [ = ư
hợp lý hơn vì phím [ gần trung tâm bàn phím hơn. Sau cùng, đặt tên Tubinhtran-MS
để người dùng thấy sự gần gũi
với kiểu gõ Microsoft (MS). D. CÁCH DÙNG KIỂU GÕ TUBINHTRAN-MS
Ở WINVNKEY Nếu bạn thấy kiểu gõ
Tubinhtran-MS hữu hiệu thì có thể tự cài
đặt kiểu gõ này vào phần mềm gõ mà mình
đang dùng. Nếu không cài đặt
được vì phần mềm bạn đang dùng
chưa có đủ chức năng thích hợp thì chúng tôi
xin giới thiệu một phần mềm đã tích
hợp sẵn kiểu gõ Tubinhtran-MS. Đó là phần
mềm gõ WinVNKey (winvnkey.sf.net). WinVNKey là phần mềm gõ chữ
Việt và các ngôn ngữ khác trong môi trường Windows, do
TS Ngô Đình Học và nhóm thảo chương TriChlor
tại Hoa-Kỳ thực hiện. WinVNKey chạy trên
Windows. Kiểu gõ Tubinhtran-MS được hỗ trợ
kể từ phiên bản 5.5.463, phát hành vào tháng 1 - 2010. -
Tải xuống phiên bản WinVNKey 5.5.463, chọn 1
trong 2 bản sau: http://winvnkey.sourceforge.net/beta/download/wvnkey5.5.463-winnt-without-HanNom.zip
Riêng những ai chưa thạo dùng máy vi tính, có
thể đọc thêm bài “Tải
xuống WinVNKey & Gõ chữ Việt” ở
đường dẫn http://chuvietnhanh.sourceforge.net/TaiXuongWinvnkeyVaGoChuViet.htm (hoặc bài “Cách
gõ tiếng Việt bằng bộ gõ WinVNKey” ở
đường dẫn: http://echip.com.vn/cach-go-tieng-viet-bang-bo-go-winvnkey-a20130729125310905-c1143.html) để biết cách tải xuống, cài
đặt WinVNKey và cách gõ tiếng Việt theo các kiểu
gõ: VIQR, VNI, Telex, Tubinhtran-MS,
Microsoft … -
Khởi động WinVNKey và điều chỉnh
trang chính WinVNKey như hình 5. Hình
5: Trang chính WinVNKey để dùng kiểu gõ Tubinhtran-MS. Điều chỉnh xong là có thể dùng kiểu gõ
Tubinhtran-MS để gõ tiếng Việt theo cách thông
thường. Lưu ý: • Điều chỉnh như trên thì
không những ta có thể gõ dấu theo kiểu gõ Tubinhtran,
mà còn có thể gõ nhanh một số phụ âm đầu
như: -
Gõ f bung ra ph ( vd: gõ fi → phi ) . -
Gõ q bung ra qu ( vd: gõ qa → qua ). -
Gõ j bung ra gi (vd: gõ ja → gia ). -
Gõ k bung ra kh (nếu chỉ muốn k thì ta gõ nhanh 2 lần phím k. Lý do của sự chọn
đặt này là vì phụ âm kh
đứng trước tất cả nguyên âm trong khi k chỉ đứng trước:
i, ê, e). • Điều chỉnh như trên thì ta
phải gõ chữ Việt theo bộ chữ Unicode với
các phông chữ của Unicode như: Arial, Tahoma, Verdana, Times
New Roman, Courier New, ... chẳng hạn. Nói cách khác, cách chọn các bộ
chữ trong WinVNKey như sau. Ví dụ: -
Nếu dùng phông của Unicode thì phải chọn
bộ chữ là Unicode (bộ chữ thứ 4 trong ô
“Bộ chữ” ở trang Chính của khung WinVNKey). -
Nếu dùng phông của VPS thì phải chọn bộ
chữ là VPS (bộ chữ thứ 11 trong WinVNKey). -
Nếu dùng phông của VNI thì phải chọn bộ
chữ là VNI (bộ chữ thứ 10 trong WinVNKey). -
v.v. E.
KẾT LUẬN • Hiện nay, ngày càng nhiều
người gõ chữ Việt có dấu vì bộ chữ
Unicode đã được phổ biến khắp
thế giới, giúp việc viết đọc chữ
Việt trên máy vi tính và internet được thống
nhất và thuận tiện hơn. Nhưng đa số
chúng ta vẫn còn dùng 3 kiểu gõ đã có từ xa xưa
là: VIQR, Telex, VNI. -
Kiểu gõ VIQR có từ thời chưa có máy vi tính. Nó chỉ thích hợp khi Unicode
chưa được phổ biến. Đây là kiểu
gõ chậm nhất vì nó dùng dấu sẵn có trên bàn phím
Mỹ để gõ dấu nên các phím gõ dấu nằm
rất xa các phím nguyên âm. -
Kiểu gõ Telex có từ thời chưa có máy vi tính, chỉ thích hợp trong việc
viết điện tín bằng máy đánh chữ.
Những ai thường xuyên gõ xen kẻ trong văn
bản các chữ nước ngoài như Anh, Pháp thì
phải dùng nhiều lần phím thoát để chữ
nước ngoài được hiện ra đúng. -
Kiểu gõ VNI dùng các phím số: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9
tượng trưng cho các dấu nên dễ nhớ
nhưng gõ không nhanh. Nó không dùng phím lặp để
tạo ra dấu nên ta phải luôn di chuyển ngón tay khi gõ dấu phụ: mũ, râu, trăng,
gạch ngang chữ đ. Kiểu gõ này không gõ nhanh
được tối ưu.
Với các hạn chế nêu trên của
3 kiểu gõ VIQR, Telex và VNI, thiết nghĩ ta nên tìm
một kiểu gõ khác nhanh hơn. Kiểu gõ Tubinhtran-MS
được trình bày ở trên nên xem như là một suy
tìm kiểu gõ tối ưu. Chỉ cần tốn
khoảng nửa giờ tập là ta có thể gõ nhanh kiểu
gõ Tubinhtran-MS, dù ta đang gõ quen với bất kỳ
kiểu gõ nào. • Kiểu gõ Tubinhtran-MS được
tích hợp sẵn trong WinVNKey từ phiên bản beta
5.5.463, phát hành tháng 1-2010. Những ai hiện dùng WinVNKey các
phiên bản cũ hơn mà không muốn dùng phiên bản
5.5.463 thì có thể tích hợp kiểu gõ Tubinhtran-MS vào theo
như hướng dẫn của bài “Cách cài kiểu gõ chữ Việt của riêng mình vào
WinVNKey” ở đường dẫn http://chuvietnhanh.sf.net/CachCaiKieuGoDauCuaRiengMinhVaoWinVNKey.htm • Kiểu gõ
Tubinhtran-MS thì rất thích hợp cho phương pháp
mới gõ tắt chữ Việt được cài
sẵn trong WinVNKey. Ta gõ chữ tắt nhưng
nhờ có phần mềm xử lý nên máy vi tính vẫn
hiện ra chữ Việt trọn vẹn. Để hiểu phương pháp
này, xin đọc bài “Phương
pháp mới gõ tắt chữ Việt” ở trang
mạng Chữ Việt Nhanh:
http://chuvietnhanh.sf.net • Chúng tôi xin chân thành tri ân
Tiến sĩ Ngô Đình Học,
tác giả phần mềm gõ WinVNKey, đã tiên phong tích
hợp kiểu gõ dấu Tubinhtran-MS vào WinVNKey. © Trần Tư Bình ( |
Tạp chí mạng Chim Việt Cành
[ Trang
trước ] / [ Trang sau
]