Hướng dẫn cấp tốc phần mềm gõ WinVNKey    

 

Trần Tư Bình & TS. Ngô Đình Học

 

 

 

MỤC LỤC

                                                                                                                                                           

A. VÀI NÉT VỀ WINVNKEY                                            

B. CÁC BƯỚC CĂN BẢN                                                                               

       B1. Tải xuống (download) WinVNKey                                    

                    - Làm sao tải xuống ?                                                         

                    - Có thể chứa vào đâu ?                                  

       B2. Cài đặt (install) WinVNKey                                    

       B3. Chạy và tắt WinVNKey                                           

                    - Làm sao chạy ?                                             

                    - Làm sao tắt ?                                       

      B4. Xem thông tin các chức năng của WinVNKey         

       B5. Giải đáp các thắc mắc về WinVNKey                                         

       B6. Cách báo lỗi                                                 

C. CÁC KIỂU GÕ DẤU CHỮ VIỆT TRONG WINVNKEY                                            

       C1. Nguyên tắc chung                                                   

       C2. Làm sao gõ kiểu VIQR ?                                       

       C3. Làm sao gõ kiểu VNI ?                                                    

       C4. Làm sao gõ kiểu Telex ?                     

       C5. Kiểu gõ dấu Tubinhtran                                                           

       C6. Làm sao gõ các kiểu khác ?                                                      

       C7. Làm sao thay đổi kiểu gõ theo ý riêng ?                                    

D. CÁC BỘ CHỮ (CHARSET) TRONG WINVNKEY                                               

E. CÁC PHƯƠNG PHÁP GÕ DẤU THÔNG MINH                                     

F. CÁCH GÕ NHANH BẰNG MACRO                                      

       F1. Làm sao dùng các macro có sẵn ?                                            

       F2. Làm sao định nghĩa thêm các macro ?                                      

G. CÁCH GÕ NHANH TUBINHTRAN                                               

H. CÔNG DỤNG KHÁC NHAU GIỮA CÁC LOẠI MACROS            

 

 

A. VÀI NÉT VỀ WINVNKEY

 

WinVNKey là phần mềm gõ chữ Việt và các ngôn ngữ khác trong môi trường Windows do nhóm thảo chương TriChlor tại Hoa-Kỳ thực hiện từ năm 1992. Lúc đầu WinVNKey chỉ hỗ trợ bảng mã VISCII. Kể từ phiên bản 4.x.x trở đi, TS Ngô Đình Học đã nâng cấp WinVNKey lên thành bộ gõ đa ngữ. WinVNKey chạy trên Windows NT/2K/XP/2003/2008/Vista.

 

WinVNKey hỗ trợ hầu hết các bộ chữ (bảng mã) Việt có trên thị trường, từ các bộ chữ thông dụng như Unicode, VISCII, VNI, VPS, ABC, … cho đến các bộ chữ cũ đã lỗi thời như VNU, VN LABs, VietRes, … Tổng cộng WinVNKey hỗ trợ 46 bộ chữ Việt cùng với 45 bộ chữ các nước khác. Do đó, ngoài việc chính là gõ chữ Việt, ta có thể dùng WinVNKey để gõ chữ viết của nhiều nước khác như Pháp, Đức, Ba lan, Tiệp, Nga, Pali, Pinyin, Nhật, v.v... Đặc biệt, có thể gõ chữ Hán, Nôm bằng âm Việt hoặc chữ Hán bằng Pinyin.

 

Sau đây là tóm tắt những đặc điểm chính:

 

-         Có thể thay đổi giao diện sang tiếng Anh hoặc tiếng Việt tuỳ thích.

-         Hỗ trợ rất nhiều cách gõ chữ Việt (VIQR tức VietNet, VNI, VPS, Telex, Microsoft, v.v.)

-         Có thể gõ dấu bất kỳ nơi nào và WinVNKey sẽ tự đặt dấu đúng chỗ.

-         Có khả năng sửa lỗi chính tả cho từ đơn.

-         Có thể chuyển đổi giữa các bảng mã tiếng Việt cho văn bản trơn (plain text).

-         Hỗ trợ hoán chuyển văn bản RTF mà không cần biết bảng mã (chỉ cần biết tên font nguồn và cho biết tên font đích muốn đổi)

-         Hỗ trợ đổi dạng chữ hoa/thường trực tiếp cho đoạn văn trong bất kỳ ứng dụng nào bằng cách bôi đen đoạn văn đó, nhấn rồi thả phím CTRL, xong đè chuột phải để cho menu hoán chuyển hiện ra.

-         Có thể chỉnh lại email (nhất là Yahoo email) đã bị biến dạng nhiều lần do không chọn UTF-8 đúng cách.

-         Hỗ trợ nhiều loại macros để có thể dùng trong mọi tình huống gõ tốc ký.

-         Hỗ trợ cách gõ nhanh Tubinhtran.

-         Hỗ trợ gõ chữ các nước khác bằng macros.

-         Hỗ trợ gõ chữ Hán Nôm bằng âm Việt, Pinyin, hoặc phương pháp Tứ Giác Hiệu Mã hoặc Thương Hiệt.

-         Ngoài ra còn nhiều chức năng đa dạng khác. Muốn tìm hiểu các chức năng này, khi chạy WinVNKKey, chỉ cần nhấn các chữ màu xanh (hyperlinks) liên hệ để được giải thích tỉ mỉ.

 

B. CÁC BƯỚC CĂN BẢN

 

 

Bài “Hướng dẫn cấp tốc phần mềm gõ WinVNKey” này chỉ trình bày các bước rất căn bản, các phần rất thường dùng trong WinVNKey.

 

B1. Tải xuống (download) WinVNKey

 

Làm sao tải xuống?

WinVNKey miễn phí. Các phiên bản chính thức được chứa ở: http://winvnkey.sf.net . Vào trang này, nhấn chữ “Download” sẽ hiện ra một trang chứa các phiên bản chính thức của WinVNKey.  Có 6 gói khác nhau:

 

- 3 gói hỗ trợ gõ chữ Hán/Nôm (with Han/Nom) dạng: EXE, RAR, ZIP.

- 3 gói không hỗ trợ Hán/Nôm (without Han/Nom) dạng: EXE, RAR, ZIP.

 

Thông thường, chỉ cần tải xuống một gói dạng EXE. Nếu không cần gõ Hán/Nôm, có thể giảm thời gian tải xuống bằng cách chọn gói không có Hán/Nôm (without Han/Nom).

 

Khi quyết định tải xuống gói nào, ta nhấn chuột phải ở gói ấy, xong chọn menu “Save Target As…”, sẽ hiện ra một khung “Save As”. Ở khung này, ta chọn thư mục (folder) mà ta muốn WinVNKey được lưu giữ, xong nhấn nút “Save” thì WinVNKey sẽ tải xuống vào thư mục vừa chọn. 

 

Có thể chứa vào đâu?

Có thể chứa vào: Máy vi tính, USB, dĩa Floppy (1.44MB).

 

1) Vào máy vi tính: Tải xuống WinVNKey.EXE thì WinVNKey tự động cài đặt vào máy. Tuy nhiên, nếu không cài đặt được vì lý do nào đó thì ta tải xuống gói WinVNKey ở dạng ZIP vậy. Dạng zip là một dạng nén. Dùng Windows XP, cũng có thể giải nén được bằng cách nhấn chuột phải lên zip file rồi chọn menu "Extract".

 

2) Vào USB: Tải xuống, giải nén (unzip) hoặc cài đặt trên USB đều được cả. Sau đó, khi chạy thì nhấp chuột lên file winvnkey.exe mà chạy.  Tất cả các files của WinVNKey đều nằm trong thư mục (folder) đã cài đặt. Chỉ cần mang USB đó đến bất kỳ máy Windows nào cũng chạy được (dĩ nhiên phải là Windows 2000, NT, XP).

 

3) Vào dĩa Floppy: Chỉ có thể tải xuống dạng RAR mà thôi vì nó chỉ chiếm có 1.2MB.  Còn dạng zip thì tùy theo phiên bản có thể chiếm hơn1.44 MB nên không vừa với floppy. Dạng rar là một dạng nén giống như zip. Dùng Windows XP, cũng có thể giải nén được bằng cách nhấn chuột phải lên rar file rồi chọn menu "Extract".

 

B2. Cài đặt (install) WinVNKey

Sau khi tải xuống WinVNKey vào thư mục, ta phải làm thêm các bước cài đặt cho lần đầu tiên thì mới dùng được. Các bước cài đặt như sau:

 

Mở thư mục (folder) có WinVNKey vừa tải xuống, nhấp chuột 2 lần vào file WinVNKey sẽ có khung hiện ra như sau:

 

 

Hình 1

 

Chọn nút "Yes" để tiếp tục cài đặt.

 

 

Hình 2

 

Sau một vài giây, khung Setup tự biến mất và tự động hiện ra khung khác như sau:

 

 

Hình 3

 

Chọn nút "Next" để tiếp tục cài đặt.

 

 

Hình 4

 

Chọn nút "Yes" để tiếp tục cài đặt.

 

 

Hình 5

 

Nếu muốn cài đặt WinVNKey trong thư mục chọn sẵn như liệt kê trong hình, ta chọn nút "Next" để tiếp tục. Muốn cài đặt WinVNKey trong thư mục khác, hãy nhấn nút Browse.

Nếu chọn "Next" sẽ hiện ra khung như sau:

 

 

Hình 6

 

Chọn nút "Next" để tiếp tục.

 

 

Hình 7

 

Chọn nút "Next" để tiếp tục.

 

 

Hình 8

 

Chọn (tick) 2 ô "Yes" và nhấn nút "Finish" để hoàn tất việc cài đặt vào máy.

 

B3. Chạy và tắt WinVNKey

 

Làm sao chạy ?

Bắt đầu chạy WinVNKey bằng cách nhấn các nút: | Start > All Program > Vietnam > Winvnkey Multilingual for NT | như hình sau đây:

 

 

Hình 9

 

Sẽ hiện ra trang Chính (Main) của khung WinVNKey như sau:

 

 

Hình 10: Trang Chính (Main) tiếng Anh của khung WinVNKey ở dạng Mặc định (Default) vừa tải xuống.

 

Nếu thích giao diện tiếng Việt, nhấn nút “Run” ở trang Main, xong chọn “Hiển thị chữ Việt”, sẽ có:

 

 

Hình 11: Trang Chính tiếng Việt của khung WinVNKey ở dạng Mặc định vừa tải xuống.

 

Từ khung này, ta có thể điều chỉnh để gõ chữ Việt theo ý muốn của mình.

 

Làm sao tắt ?

Có thể tắt bằng 1 trong 3 cách sau:

Tắt tạm thời: Nhấn chuột trái 1 lần trên hình   ở góc phải dưới màn hình máy vi tính, hình sẽ đổi thành  , WinVNKey sẽ tạm ngưng hoạt động.

Muốn chạy lại WinVNKey, nhấn chuột 1 lần trên hình  thì hình sẽ đổi lại thành   .

 

Tắt hẳn luôn:

- Đè chuột phải lên hình    ở góc phải dưới màn hình và chọn menu “Tắt" (exit).

- Hoặc nhấn nút “Tắt" ở dưới trang Chính của khung WinVNKey.

 

B4. Xem thông tin các chức năng của WinVNKey

Các chữ màu xanh trong khung WinVNKey đều là đường dẫn để xem thêm thông tin liên hệ. Khi rà chuột lên các hypelink thì hiện ra hàng chữ cho biết nếu nhấn chuột vào thì sẽ biết được điều gì.

 

Ví dụ: Ở hình 11, ta rà chữ "Kiểu gõ" thì hiện ra hàng chữ “Nhấn để điều chỉnh các phương pháp gõ chữ Việt”. Nếu nhấn chữ "Kiểu gõ" sẽ hiện ra khung “Điều chỉnh cách gõ chữ Việt” về kiểu gõ “2. VIQR – linh động”. Và trong khung “Điều chỉnh cách gõ chữ Việt” cũng có các hypelink khác, ta muốn xem thêm thông tin nào thì nhấn chuột vào hypelink đó.

 

B5. Giải đáp các thắc mắc về WinVNKey

Có thể tham gia diễn đàn WinVNKey hoặc UniKey để được giải đáp các thắc mắc:

 

- WinVNKey:  http://vietunicode.sourceforge.net/forum/viewforum.php?f=2

- Chữ Việt Forum: http://chuviet.net  > WinVNKey

 

Hoặc có thể dùng WinVNKey, nhấn các nút: | Chạy > Truy cập > Diễn đàn ở VietUnicode |

 

 

B6. Cách báo lỗi

Có thể báo lỗi bằng cách nhấn các nút: | Chạy > Báo lỗi > Soạn thư báo lỗi |, sau đó màn hình sẽ hiện ra một mẫu thư soạn sẵn và ta báo lỗi theo hướng dẫn của thư ấy.

 

C. CÁC KIỂU GÕ DẤU CHỮ VIỆT TRONG WINVNKEY    

 

C1. Nguyên tắc chung

WinVNKey hỗ trợ nguyên tắc gõ chữ trước, dấu sau.  Dấu có thể được gõ liền sau mẫu tự hoặc ở cuối từ và WinVNKey sẽ tự động đặt dấu đúng vào mẫu tự cần thiết.

 

Trong WinVNKey có trên 16 kiểu gõ dấu, ta chọn kiểu gõ nào cũng được. Sau đây là bảng tóm lược của 4 kiểu gõ chính.

 

 

Hình 12: Bốn kiểu gõ dấu VIQR, VNI, Telex, Tubinhtran.

(*) chỉ thích hợp cho bàn phím Pháp vì cách bố trí phím khác với bàn phím Anh-Mỹ.

 

C2. Làm sao gõ kiểu VIQR ?

Đầu tiên, bạn phải bật WinVNKey lên bằng cách nhấn các nút: | Start > All Program > Vietnam > Winvnkey Multilingual for NT | sẽ hiện ra trang Chính khung WinVNKey như hình sau đây:

 

 

Hình 13: Trang chính WinVNKey để dùng kiểu gõ dấu VIQR.

 

Nếu không thay đổi gì hết trong khung WinVNKey, ta sẽ phải gõ chữ Việt bằng cách dùng các phím theo kiểu gõ VIQR. Đây là kiểu gõ mặc định (default) của WinVNKey.

 

Kiểu gõ VIQR (Vietnamese Quoted Readable) dùng dấu sẵn có trên bàn phím để gõ dấu chữ Việt.

 

 

 

Hình 14: Kiểu gõ dấu VIQR.

 

Ví dụ:                Phấn son tô điểm sơn hà
                          Làm cho rỡ mặt đàn bà nước Nam

 

Gõ phím:           Pha^’n son to^ ddie^?m so+n ha`

                          La`m cho ro+~ ma(.t dda`n ba` nu+o+’c Nam

 

C3. Làm sao gõ kiểu VNI ?

Nhấn mũi tên ở hộp “Kiểu gõ” trong trang Chính để chọn kiểu gõ số 6. VNI như hình sau đây:

 

 

Hình 15: Trang chính WinVNKey để dùng kiểu gõ dấu VNI.

 

Kiểu gõ VNI dùng các phím số để gõ dấu chữ Việt.

 

 

Hình 16: Kiểu gõ dấu VNI.

 

Ví dụ:                Phấn son tô điểm sơn hà
                          Làm cho rỡ mặt đàn bà nước Nam

 

Gõ phím:           Pha61n son to6 d9ie63m so7n ha2

                          La2m cho ro74 ma85t d9a2n ba2 nu7o71c Nam

 

C4. Làm sao gõ kiểu Telex ?

Nhấn mũi tên ở hộp “Kiểu gõ” trong trang Chính để chọn kiểu gõ Telex 3 (kiểu tự do) như hình sau đây:

 

 

Hình 17: Trang chính WinVNKey để dùng kiểu gõ dấu Telex.

 

Kiểu gõ Telex dùng phím lặp, các mẫu tự không có trong chữ quốc ngữ hoặc vị trí các mẫu tự không có trong chữ quốc ngữ để gõ dấu chữ Việt.

 

 

Hình 18: Kiểu gõ dấu Telex.

 

Ví dụ:                Phấn son tô điểm sơn hà
                          Làm cho rỡ mặt đàn bà nước Nam

 

Gõ phím:           Phaasn son too ddieerm sown haf

                          Lafm cho rowx mawjt ddafn baf nuwowsc Nam

 

C5. Kiểu gõ dấu Tubinhtran

 

 

Hình 19: Kiểu gõ dấu Tubinhtran.

(*) chỉ thích hợp cho bàn phím Pháp vì nó có cấu tạo khác với bàn phím Anh-Mỹ.

 

Kiểu gõ dấu Tubinhtran thật ra phần lớn là tổng hợp các ưu điểm của 2 kiểu gõ VNI và Telex. Kiểu gõ này giúp ta gõ dấu chữ Việt được nhanh hơn vì:

 

- Dùng đến 4 phím lặp: ee, uu, oo, aa (để gõ: ê, ư, ơ, ă) nên không cần di chuyển ngón tay.

- Ở bàn phím Anh - Mỹ, vị trí các phím: 1, 2, 3, 4, 5 (để gõ dấu thanh) và 6, q, a, e, u, o  (để gõ: â, ô, ê, ă, ư) nằm gần nhau nên ta di chuyển ngón tay không xa khi gõ những chữ có dấu thanh và mẫu tự có dấu.

- Mẫu tự “đ” chỉ cần gõ 1 lần phím “d”.

 

Làm sao gõ dấu kiểu Tubinhtran?

Ta nhấn mũi tên ở hộp “Kiểu gõ” trong trang Chính để chọn kiểu gõ Tubinhtran như hình sau đây:

 

 

Hình 20: Trang chính WinVNKey để dùng kiểu gõ dấu Tubinhtran.

 

Lưu ý:  Điều chỉnh như trên thì không những ta có thể gõ dấu theo kiểu gõ Tubinhtran, mà còn có thể gõ nhanh một số phụ âm đầu như:

-   f  bung ra  ph  ( vd: gõ fi → phi ) .

- Gõ q  bung ra  qu  ( vd: gõ qa → qua ). 

-   j  bung ra  gi   (vd: gõ ja → gia ).

- Gõ k  bung ra  kh  (nếu chỉ muốn k thì ta gõ nhanh 2 lần phím k. Lý do của sự chọn đặt này là vì phụ âm kh đứng trước tất cả nguyên âm trong khi k chỉ đứng trước: i, ê, e).

 

C6. Làm sao gõ các kiểu khác?

Nhấn mũi tên đen ở hộp “Kiểu gõ” trong trang Chính sẽ hiện ra bảng liệt kê 16 kiểu gõ. Ta chọn kiểu gõ nào cũng được.

 

C7. Làm sao thay đổi kiểu gõ theo ý riêng?

WinVNKey cho phép thay đổi kiểu gõ theo ý muốn riêng.

Cách làm: Nhấn chữ “Kiểu gõ” màu xanh ở trang Chính của khung WinVNKey, sẽ hiện ra khung “Điều Chỉnh Cách Gõ Chữ Việt” như Hình 21 dưới đây:

 

 

Hình 21:  Khung “Điều Chỉnh Cách Gõ Chữ Việt”.

 

Ta có thể thay đổi xếp các dấu chữ Việt theo bất cứ nút dấu nào. Xong, ta nhấn mũi tên đen kế nút “Kiểu gõ” ở góc trên và chọn menu “Lưu trữ dưới tên khác” (Save As). Lúc ấy sẽ hiện ra khung “Đặt Tên Phương Pháp Gõ Chữ” như Hình 22 dưới đây và sau khi chọn tên mới, ta nhấn nút “OK”.

 

 

Hình 22: Khung “Đặt Tên Phương Pháp Gõ Chữ”.

 

D.  CÁC BỘ CHỮ (CHARSET) TRONG WINVNKEY

 

Bộ chữ, còn gọi là bảng mã, là tập hợp các ký tự được sắp xếp theo một thứ tự nhất định nào đó. Cùng một tập hợp nhưng mỗi cách sắp xếp khác nhau sẽ tạo thành một bộ chữ khác nhau. Thí dụ: Bộ chữ Unicode là tập hợp các ký tự Việt được sắp xếp theo thứ tự do tập đoàn Unicode Consortium qui định, bộ chữ VISCII là do nhóm chuyên gia Việt Nam ở hải ngoại (Viet-Std) qui định, còn VNI là do công ty VNI Soft, VPS là do tổ chức VPS, v.v.

 

Khi các ký tự trong một bộ chữ được hiển thị thành chữ theo một kiểu nào đó thì tập hợp các hình chữ còn được gọi là phông chữ. Thí dụ: phông chữ kiểu Times, phông chữ kiểu Courier. Vì thứ tự các chữ trong một phông phải giống hệt thứ tự các chữ trong bảng mã, nên nhiều khi gây ra hiểu lầm giữa phông chữ và bộ chữ (bảng mã). 

 

WinVNKey hỗ trợ hầu hết các bộ chữ Việt có trên thị trường, từ các bộ chữ thông dụng như Unicode, VISCII, VNI, VPS, ABC, … cho đến các bộ chữ cũ đã lỗi thời như VNU, VN LABs, … Tổng cộng WinVNKey hỗ trợ 46 bộ chữ Việt ...

 

Bộ chữ thông dụng nhất hiện nay là Unicode do tập đoàn Unicode Consortium thiết kế và phát hành. Ở trạng thái mặc định (default) của WinVNKey, ta sẽ dùng bộ chữ Unicode. Các phông thông dụng của Unicode là: Arial, Tahoma, Verdana, Times New Roman, Courier New..v.v..

 

Cách chọn các bộ chữ như sau. Ví dụ:

 

1.     Nếu dùng phông của Unicode thì phải chọn bộ chữ (bảng mã - Charset) là Unicode (bộ chữ thứ 4 trong ô “Bộ chữ” ở trang Chính của khung WinVNKey). 

2.     Nếu dùng phông của VPS thì phải chọn bộ chữ là VPS (bộ chữ thứ 11 trong WinVNKey). 

3.     Nếu dùng phông của VNI thì phải chọn bộ chữ là VNI (bộ chữ thứ 10 trong WinVNKey). 

4.     v.v…

 

E.  CÁC PHƯƠNG PHÁP GÕ DẤU THÔNG MINH

 

WinVNKey hỗ trợ 17 cách kết hợp dấu thông minh để ta gõ dấu chữ Việt được nhanh hơn và chính xác hơn. Người dùng thích cách nào thì chọn cách đó.

 

Nhấn mũi tên đen ở hộp “Cách kết hợp dấu” trong trang Chính sẽ hiện ra bảng liệt kê 17 cách kết hợp dấu, được đánh số từ 0 đến 16 như hình dưới đây.

 

 

Hình 23

 

Ví dụ, ta chọn cách số 5. “Vần kiểu tự do (Gõ dấu tự do, kết hợp nếu là vần Việt)”. Muốn hiểu nội dung cách này, ta nhấn chuột ở chữ màu xanh “Cách kết hợp dấu” sẽ hiện ra khung “Chọn Lựa Cho Chữ Việt” như hình dưới đây. Ở khung này, ta nhấn các nút hình vuông sẽ hiện ra các chi tiết được hỗ trợ trong cách này.

 

 

Hình 24

 

F.  CÁCH GÕ NHANH BẰNG MACRO

 

Chữ “Macro” trong WinVNKey được hiểu là cách gõ tắt, tốc ký.

 

So với các phần mềm gõ khác, ưu điểm nổi bật của WinVNKey là thiết kế sẵn các cách gõ nhanh bằng macro.

 

F1.  Làm sao dùng các macro có sẵn ?

WinVNKey cung cấp sẵn một số macro để người dùng có thể sử dụng liền, hoặc sử dụng như là những ví dụ để từ đó mà phát triển thêm lên.

 

Ví dụ, ta muốn dùng macro có sẵn trong tệp từ “Thường Dùng”, theo kiểu gõ VNI chẳng hạn thì ta điều chỉnh trang Chính như hình sau đây:

 

 

Hình 25

 

Sau đó, nhấn chữ “Macro” màu xanh, sẽ hiện ra khung “Chọn Lựa Macro” như hình dưới đây. Ta chọn ô “Thường dùng” thì hộp kế bên sẽ cho thấy các macros có sẵn biến thành chữ gì.

 

 

Hình 26

 

Chọn xong, ví dụ gõ chta rồi gõ phím trống (space), sẽ biến thành chữ chúng ta.

 

F2. Làm sao định nghĩa thêm các macro ?

Ví dụ ta muốn định nghĩa thêm macro dc bung ra được trong tệp từ “Thường Dùng”, ta nhấn nút “Biên soạn” ở đáy, sẽ hiện ra khung “Biên Soạn Macro Từ Lười” như hình dưới đây. Vào khung này làm các bước sau:

 

- Nhấn nút “Thêm” (Add)

- Gõ macro dc và chữ được vào 2 ô dưới đáy như trong hình.

- Nhấn nút “Nhập vào” (Enter). Macro mới dc bung ra được sẽ được thêm vào.

- Sau cùng, nhấn nút X ở góc trên để đóng lại và macro dc được sẽ được lưu trữ trong WinVNKey.

 

 

Hình 27

 

G. CÁCH GÕ NHANH TUBINHTRAN

 

Đây là phương pháp gõ tắt chữ Việt rất nhanh trên máy vi tính. Người dùng chỉ cần gõ chữ tắt trên bàn phím nhưng nhờ có phần mềm hoán chuyển nên máy vi tính vẫn hiện ra chữ Việt trọn vẹn. Phương pháp gõ tắt này đã được thực hiện thành công trong WinVNKey kể từ phiên bản 5.4.444 trở đi.

 

Kể từ phiên bản WinVNKey 5.4.444 trở đi, có cài sẵn 2 tệp gõ tắt (Macro files):

 

- Cách Tubinhtran (có dấu): Để gõ nhanh chữ Việt có dấu.

- Cách Tubinhtran (không dấu): Để gõ nhanh chữ Việt không dấu.  

 

Muốn dùng tệp nào thì chọn tệp ấy. Lúc không dùng nữa thì tắt rồi gõ chữ Việt theo cách bình thường.

 

Thời gian gõ giảm được khoảng 40% khi chỉ dùng tệp “Cách Tubinhtran”. Thời gian gõ giảm được nhiều hơn nữa nếu dùng kết hợp tệp “Cách Tubinhtran” với các tệp gõ tắt do ta tự qui ước. 

 

Cách gõ nhanh này được trình bày đầy đủ trong bài “ Phương pháp mới gõ tắt chữ Việt ” và bài Cách gõ tắt chữ Việt không dấu.

 

H. CÔNG DỤNG KHÁC NHAU GIỮA CÁC LOẠI MACROS

 

(Trích thư trả lời của TS Ngô Đình Học trong diễn đàn WinVNKey và thư trao đổi riêng khi chúng tôi hỏi về công dụng khác nhau giữa các loại macros)

 

Phần này dành cho ai muốn tìm hiểu sâu hơn các chức năng Macros khác trong WinVNKey.

 

Kể từ phiên bản 5.4.x WinVNKey hỗ trợ 6 loại macros.  Khi nhấn lên hyperlink "Macro" màu xanh ở trang Chính ta sẽ thấy 2 loại tự bung, 2 loại macro tượng trưng cho vần, và 2 loại cho từ hoặc cụm từ. 

 

Chú ý:

1) Đối với WinVNKey, từ (word) là một chuỗi các ký tự đứng sát nhau và được bao bọc bởi các dấu ngắt từ như dấu trắng (space) hoặc dấu chấm, dấu phẩy, chấm phẩy, ngoặc đơn, ngoặc kép, v.v.  Thí dụ:  "abc def123, xyz2t" là một chuỗi gồm có 3 từ là "abc", "def123" và "xyz2t".  Nhiều khi từ được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các ký tự ngoại trừ dấu trắng hoặc TAB.  Trong thí dụ vừa nêu, "def123," cũng có thể hiểu là từ thứ nhì có kể luôn dấu phẩy.

 

2) WinVNKey có cẩm nang bằng English trên mạng (Online Manual): http://winvnkey.sf.net.  Cẩm nang này mô tả rất chi tiết tất cả các chức năng của WinVNKey 5.0.355.  Tuy cẩm nang này chưa được cập nhật hóa nhưng những giải thích về các chức năng hoặc cách dùng cơ bản vẫn còn có giá trị trong các phiên bản về sau.

 

Mỗi loại macro được hỗ trợ bằng một thẻ hoặc trang trong WinVNKey.  Thẻ Ngôn ngữ cũng là một hình thức macro tự bung. Sở dĩ có nhiều loại macros là vì WinVNKey được thiết kế cho môi trường đa ngữ, nghĩa là cần phải hỗ trợ cho việc gõ nhiều ngôn ngữ khác nhau cùng một lúc. 

 

Mỗi thẻ macro có thể có nhiều tệp để cho ta có thể bật hoặc tắt từng tệp.  Mỗi tệp lại có nhiều tùy chọn (option) để ta có thể thay đổi tính năng của tất cả macro trong tệp đó.  Bẵng cách này, ta có thể gán cho macro thuộc loại này một số tính năng của loại khác. 

 

Khi ta gõ xong một phím chữ, WinVNKey sẽ xử lý cả cụm chữ vừa gõ vào theo thứ tự sau đây: 

-          Trước hết kết hợp dấu tiếng Việt dựa theo các tùy chọn ở trang Kiểu Gõ và trang Cách Kết Hợp.

-          Kế tiếp xử lý các macro được bật lên ở thẻ Ngôn ngữ.

-          Cuối cùng xử lý 6 loại macro theo thứ tự sau đây nếu chúng được chọn ở trang Chính: Tự bung cấp 1, Tự bung cấp 2, macro Đuôi, Vần Lười, Tốc Ký, Từ Lười. 

-          Tuy nhiên, ta có thể thay đổi quá trình này bằng cách dùng thẻ "Xử Lý Macro" để điều khiển WinVNKey ngừng xử lý macro nếu cụm chữ đã bị một macro nào đó biến đổi rồi.

 

Sau đây là tóm tắt 6 loại macros.

 
Tự bung cấp 1 và 2:

-          Công dụng: thường dùng để tượng trưng cho một mẫu tự, hoặc một phần của từ.

-          Giống nhau: Có thể gõ macro bất cứ nơi nào trong cụm chữ và macro tự động bung ra khi gõ xong ký tự cuối cùng.

-          Khác nhau: Tự bung cấp 1 được xử lý trước Tự bung cấp 2.


Thí dụ: "Địa cầu" viết là земля (tiếng Nga) và
地球 (chữ Hán Phồn thể). Một người Nga dùng bàn phím Mỹ để gõ chữ Hán Phồn thể có thể qui định macro như sau:

Tự bung cấp 1: 3em => зем và lr => ля
Tự bung cấp 2: земля =>
地球

Như vậy khi gõ 3emlr sẽ được bung ra thành 地球.  Sở dĩ có được kết quả này là do WinVNKey xử lý Tự bung cấp 1 trước Tự bung cấp 2.  Tuy đều có cùng khả năng bung ra tức khắc, nhưng vì thứ tự xử lý khác nhau nên ta thấy được điều sau đây hiện ra trên màn ảnh:

1) Gõ 3em sẽ thấy зем
2) Gõ tiếp 2 chữ lr: земlr
3) Vừa gõ xong chữ r thì Tự bung cấp 1 xử lý làm cho nó bung ra thành земля, rồi kế đến Tự bung cấp 2 xử lý земля làm cho nó bung ra thành
地球.

Thí dụ nêu trên minh họa một trong những công dụng của hai loại macro tự bung mà thôi.  Nếu muốn cùng một cụm chữ trải qua 3 lần tự bung thì tự bung đầu tiên nên bỏ vào thẻ Ngôn Ngữ, tự bung thứ nhì vào thẻ Tự bung cấp 1, tự bung thứ ba vào thẻ Tự bung cấp 2.  Còn qui ước mỗi loại như thế nào thì do ta quyết định. 

 

Chẳng hạn, ta có thể dùng 2 loại tự bung để sửa chính tả cho cả cụm chữ sau khi gõ xong 1 ký tự tiếng Việt. Xét thí dụ chữ thuở. Giả dụ WinVNKey được chạy với tất cả các chức năng thông minh bị tắt đi (chọn kiểu gõ số 4 và cách kết hợp số 0).  Vì hầu như ư và ơ thường đi đôi với nhau, ngoại trừ các chữ như huơ, thuở, nên ta có thể qui ước như sau để gõ cho nhanh:

Tự bung cấp 1: uơ => ươ và ưo => ươ (tức tự động thêm dấu móc thứ nhì, tiết kiệm 1 thao tác)
Tự bung cấp 2: hươ => huơ và qươ => quơ (tức chỉnh lại chỉ còn 1 dấu móc mà thôi)

Với các macro này, khi gõ Chuơng dưong sẽ được Chương dương, nhưng gõ huơ thì chỉ được đúng là huơ mà thôi.  Do đó, Tự bung cấp 2 có thể dùng để sửa chính tả (autocorrection).

Macro Đuôi và Vần Lười

-          Công dụng: thường dùng để tượng trưng cho cụm chữ ở phần đuôi của một từ, như tiếp ngữ hoặc vần.

-          Giống nhau: phải gõ macro ở sau mẫu tự khác (có tùy chọn cho phép gõ đầu từ)

-          Khác nhau: Vần Lười được xử lý sau macro Đuôi. Ngoài ra, sự khác biệt chính của 2 loại này là cách xử lý dạng chữ hoa/thường.

1.      Macro Đuôi: case sensitive, phải gõ đúng dạng chữ hoa/thường như được định

2.      Vần Lười: case smart và chỉ bung ra khi có thể tạo thành một từ có âm Việt (nhưng không cần đúng chính tả, như "bãng"). 

 

Case smart có nghĩa là cụm chữ sẽ bung ra một cách thông minh bằng cách tự thay đổi dạng chữ hoa hay thường tùy theo lúc gõ từng ký tự của macro. Lúc qui ước macro thì chỉ cần qui ước một dạng, nhưng khi gõ thì có thể thay đổi dạng hoa/thường. Thí dụ:  Giả sử Vần Lười bb tượng trưng cho ong.  Gõ cbb sẽ bung ra cong, còn gõ CBB sẽ bung ra CONG (mặc dù không có qui ước BB là ONG).


Tốc Ký và Từ Lười

-          Công dụng: thường dùng để tượng trưng cho toàn bộ một cụm ký tự chẳng hạn như từ (word) hoặc nhóm từ.

-          Giống nhau: phải gõ macro ở đầu từ, tức sau dấu trắng hoặc các dấu ngắt từ.

-          Khác nhau: Từ Lười được xử lý sau khi xử lý xong Tốc Ký.  Ngoài ra, sự khác biệt chính của 2 loại này là cách xử lý dạng chữ hoa/thường.

1.      Shorthand: case sensitive, phải gõ đúng dạng chữ hoa/thường như được định

2.      Từ Lười: case smart như đã giải thích về Vần Lười.


Tại sao phải hỗ trợ Tốc Ký?
Đặc điểm chính của Tốc Ký là case sensitive. Phải gõ đúng dạng chữ thì nó mới bung ra. Điều này rất cần thiết cho nhiều người (nhất là viết lập trình hoặc dùng TeX/LaTex). Họ có thể muốn có nhiều macros chỉ khác nhau về dạng chữ hoa/thường nhưng lại bung ra các cụm từ hoàn toàn khác nhau.

Thí dụ:  gtc => go to church
            gtC => go to Canada


Tóm lại, WinVNKey cung cấp phương tiện, còn muốn dùng hay không là tùy nhu cầu của từng người. Nói chung, ta nên tận dụng macro lười vì đỡ phải qui ước nhiều dạng chữ hoa/thường.  Nếu dùng macro Đuôi hoặc Tốc Ký, chúng không thể tự động thay đổi dạng chữ hoa/thường và do đó ta phải qui ước tất cả các dạng chữ của macro, thí dụ:
            il => iên
            IL => IÊN
            iL => iên
            Il => Iên

Sở dĩ WinVNKey không qui ước dạng lười cho các loại macro tự bung vì lý do đơn giản sau đây.  Macro tự bung thường dùng để viết tắt mẫu tự của một ngôn ngữ. Mỗi ngôn ngữ thường có một số lượng mẫu tự rất giới hạn.  Do đó, ta có thể liệt kê tất cả các dạng hoa thường của chúng một cách dễ dàng.  Xin xem qui ước tất cả các chữ hoa/thường của tiếng Pháp, Đức, v.v. ở thẻ Ngôn ngữ.

 

 

Xin xem Bài tóm gọn của bài này ở trang Chữ Việt Nhanh : http://chuvietnhanh.sf.net

 

© Trần Tư Bình (Email: tubinhtran@gmail.com, Web: Chữ Việt Nhanh).

 

 

Về Trang Chính

Ch Vit Nhanh